Gen Z đang đặt ra vấn đề đòi hỏi các thương hiệu và marketers phải có hướng đi mới cho digital marketing của mình để chinh phục thế hệ người tiêu dùng lớn mạnh này.
Các Chiến lược marketing cho Gen Z không thể chỉ giới hạn trong các cách thức truyền thống nữa.
Giờ đây, để có được sức ảnh hưởng trong vũ trụ Gen Z, các chiến lược phải được thực thi từ sự thấu hiểu insight của Gen Z, kết hợp với sự sáng tạo, quyết liệt, và giá trị.
Gen Z cùng với sự thay đổi nhanh chóng của xu thế và công nghệ đặt ra nhiều thách thức hơn cho digital marketing.
Tuy nhiên vẫn có cách để bạn bước đi đúng đắn trên con đường chinh phục thế hệ trẻ đầy tiềm năng này.
Tìm hiểu chân dung Gen Z
Gen Z hay Thế hệ Z là các bạn trẻ sinh vào khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2015. Như vậy, người lớn tuổi nhất thuộc thế hệ Z năm nay đã 26 tuổi, và nhỏ nhất là 6 tuổi.
Người thuộc thế hệ Z hay còn gọi là Gen Zers chiếm 26% trong tổng dân số thế giới. Một con số rất đáng để các thương hiệu và nhà bán lẻ quan tâm.
Một vài số liệu khác giúp bạn hiểu rõ hơn về sức ảnh hưởng và quy mô của Gen Z tại Việt Nam cũng như trên thế giới:
- Gen Z được dự đoán sẽ chiếm 40% tổng số người tiêu dùng tại Mỹ
- Đến năm 2030, 34% lực lượng lao động là gen Z
- 70% Gen Z ảnh hưởng đến quyết định mua thực phẩm và đồ gia dụng trong gia đình
- Tính đến năm 2025, Gen Z được dự đoán chiếm ⅓ tổng dân số trong độ tuổi lao động tại Việt Nam (2)
- 98% Gen Z trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh
Thế hệ Z được sinh ra trong thời kỳ khoa học công nghệ bùng nổ nên mạng xã hội là một trong những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng tiêu dùng, giải trí, và tìm hiểu thông tin của họ.
Hãy nhớ rằng bạn đang tiếp thị cho những con người phá cách, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, và luôn muốn thế giới xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.
Gen Z xem trọng điều gì?
Nhu cầu được thể hiện quan điểm cá nhân là rất quan trọng đối với Gen Z. Thế hệ “hậu Millennials” cũng quan tâm sâu sắc đến những gì diễn ra xung quanh họ. Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu cũng nằm trong tâm điểm sự chú ý của Gen Z.
Chính vì vậy họ luôn khao khát được thể hiện phong cách cá nhân, mang tiếng nói của mình tạo sức ảnh hưởng tốt đẹp lên những vấn đề xã hội.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi tiêu dùng của họ. Thách thức đặt ra cho các nhãn hàng là hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường hay lan toả thông điệp ý nghĩa.
Để chinh phục được Gen Z, việc chạy theo xu hướng thôi là chưa đủ, hay áp dụng các chiến lược marketing cho Gen Z một cách truyền thống chỉ càng thêm mất thời gian.
Hãy đi sâu tìm hiểu insight Gen Z. Bạn sẽ biết được mình cần phải bắt đầu từ đâu.
Nắm bắt từng ngóc ngách nhỏ trong insight của Gen Z trong phần tiếp sau đây.
Insight Gen Z là gì? Tại sao đã đến lúc thay đổi chiến lược marketing của bạn
Trước khi đi vào cụ thể từng insight quan trọng của thế hệ Z, chúng ta nên làm rõ khái niệm insight là gì.
Nếu bạn chưa biết, insight là một khái niệm rất quen thuộc đối với bất cứ ai làm marketing.
Chúng ta thường thấy cụm từ customer insight với ý nghĩa là “sự thật ngầm hiểu” của khách hàng. Từ đó, có thể tóm gọn rằng tìm hiểu insight của Gen Z là khai thác những sự thật ảnh hưởng đến hành vi và quyết định của họ.
Vậy cụ thể những “sự thật” đang chi phối thế hệ Z là gì?
1. Thế hệ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn bao giờ hết
Không khó để hiểu sự thật này vì thế hệ Z được sinh ra trong thời đại Internet bùng nổ và sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Youtube, TikTok, v.v.
85% Gen Z tìm hiểu về sản phẩm mới qua mạng xã hội và 72% trong số đó sẽ quyết định mua hàng. Trong đó Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dung phổ biến nhất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gần 60% Gen Z có xu hướng kết nối với các thương hiệu trên mạng xã hội nhiều hơn so với các thế hệ cũ. Thêm vào đó, theo IBM, 74% Gen Z dành thời gian rảnh của họ để online.
Trung bình Gen Z dành 4,5 giờ một ngày cho mạng xã hội trong khi con số này ở Millennials là 3,8 giờ.
Điều này khiến các thương hiệu không thể ngừng triển khai các chiến lược marketing cho Gen Z trên mạng xã hội. Đây có thể nói là nguồn giúp các thương hiệu tiếp cận khách hàng thế hệ Z hiệu quả nhất.
2. Gen Z là thế hệ định hướng bởi video
Video đã trở thành một dạng tiêu thụ nội dung được ưa chuộng không chỉ bởi Gen Z mà còn cả các thế hệ khác.
Những video ngắn, mang tính giải trí hay cung cấp thông tin nhanh ngày càng được yêu thích. Theo báo cáo của Statista, 61% Gen Z và Millennials dành thời gian xem những video không dài quá 1 phút mỗi ngày.
Các nền tảng video như Youtube, TikTok, hay Netflix đang dẫn đầu trong xu hướng này. Gen Z muốn đồng thời lướt mạng xã hội và xem những nội dung hữu ích.
Các quảng cáo trên ti vi dường như không tác động mấy đến Gen Z. Nếu muốn hiệu quả, các nhãn hàng buộc phải tiếp cận đối tượng mục tiêu này thông qua những video trên mạng xã hội.
3. Smartphone là một phần không thể thiếu
Gần như toàn bộ Gen Z trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh. 55% Gen Z sử dụng điện thoại hơn 5 giờ một ngày. Điều này ảnh có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi mua hàng của họ.
Thay vì đi đến tận cửa hàng để mua sắm, Gen Z thực hiện việc đó trực tuyến qua điện thoại nhiều hơn.
Xu hướng này đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi đại dịch Covid-19 ập đến. Ngồi nhà, lướt mạng xã hội và đặt hàng là thú vui “tao nhã” của Gen Z trong chuỗi ngày giãn cách tẻ nhạt.
4. Bạn chỉ có 8 giây để thu hút sự chú ý từ Gen Z
Gen Z có khoảng thời gian chú ý là 8 giây, ít hơn so với con số này ở Millennials. Không khó để hiểu rằng những video ngắn lại trở nên phổ biến và được yêu thích bởi Gen Z thời gian gần đây đến vậy.
Không chỉ video mà bất cứ dạng nội dung nhanh nào cũng sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình từ Gen Z. Những dòng trạng thái Facebook ngắn gọn, hài hước, hay giật gân thường thu hút lượt like, share, và bình luận đông đảo. Hay những chiếc memes “đọc phát là nảy số liền” đều được Gen Z tương tác mạnh mẽ.
5. Đề cao tính cá nhân
Gen Z thích thể hiện cá tính và bản sắc riêng. Sự tiện lợi của kỹ thuật số giúp Gen Z dễ dàng thể hiện cá tính trong mọi mặt của đời sống, từ phong cách thời trang, lối sống, đến tiêu dùng.
Gen Z không mua sắm để chạy theo số đông hay khoe khoang với người khác.
Đa phần họ có thiên hướng tiết kiệm và đầu tư tài chính từ rất sớm. Trong tiêu dùng, họ hướng đến những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu cụ thể của cá nhân mình.
Gen Z cũng sẵn sàng chi trả để có được trải nghiệm mua sắm được cá nhân hoá.
6. Tiêu dùng gắn liền với ý thức về đạo đức xã hội
Được sinh ra trong thời đại mà tiếp cận nguồn tin dễ dàng hơn bao giờ hết, Gen Z ý thức mạnh mẽ về những gì đang diễn ra trên thế giới.
Từ biến đổi khí hâu, dịch bệnh, những định kiến xã hội, phân biệt chủng tộc, hay chiến tranh đều khiến Gen Z quan tâm.
Gen Z có thể lên tiếng để thay đổi một điều gì đó theo chiều hướng tích cực hơn.
Họ không ngần ngại nêu ý kiến và quan điểm của mình. Ngay việc 43% gen Z thích review sản phầm đã thể hiện phần nào xu hướng này.
Gen Z muốn có ảnh hưởng tích cực lên các vấn đề của xã hội, và họ mong các thương hiệu cũng làm như vậy.
5 Chiến lược marketing cho Gen Z hiệu quả nhất
1. Xây dựng một thương hiệu thân thiện với thiết bị di động
Một chiến lược marketing cho gen Z hiệu quả không thể thiếu vắng sự có mặt của yếu tố thân thiện với smartphone.
Đa số Gen Z dùng thiết bị di động để thực hiện các giao dịch cũng như hoạt động giải trí. Phát triển nội dung có thể dễ dàng được tiếp cận và tiêu thụ qua smartphone là điều bất cứ thương hiệu nào cũng cần làm.
2. Sử dụng video là một chiến lược marketing cho Gen Z thông minh
Thời gian gần đây, bạn có thể thấy rõ được tốc độ phát triển nhanh chóng của nội dung dạng video ngắn nói chung và TikTok nói riêng. Quảng bá sản phẩm hay thương hiệu qua video sẽ là một chiến lược thông minh hướng tới thế hệ Z.
3. Sáng tạo nội dung nhanh và hiệu quả
Khi chỉ có 8 giây để tạo sự chú ý, làm cách nào bạn có thể tạo ấn tượng với Gen Z? Những người “kể chuyện tài ba” giờ đây không chỉ cần mang đến những câu chuyện hay ho mà còn phải ngắn gọn, súc tích.
Đây là một thách thức không nhỏ đối với marketer. Tuy nhiên, mạng xã hội giờ đây hỗ trợ bạn làm việc này rất hiệu quả. Qua đoạn video ngắn đăng trên TikTok, Instagram/Facebook story, bạn cũng có thể tương tác với khán giả hiệu quả.
4. Tối ưu nội dung khác biệt trên mọi nền tảng xã hội
Gen Z lướt mạng xã hội hàng giờ và điều quan trọng là họ không chỉ sử dụng một mạng xã hội duy nhất.
Mục đích sử dụng mỗi mạng xã hội cũng có thể khác nhau. Trong khi Instagram là nơi Gen Z thể hiện hình ảnh, khao khát của bản thân, Facebook lại đa phần là nơi họ tìm đọc tin tức. Chính vì vậy, chiến lược marketing cho Gen Z của bạn không thể chỉ “copy & paste” từ mạng xã hội này sang mạng xã hội khác. Hãy tối ưu nó trên từng nền tảng.
5. Trở thành một thương hiệu có ảnh hưởng tích cực
Nếu cập nhật tin tức thường xuyên, bạn sẽ nghe nhiều đến xu hướng tẩy chay một nhãn hàng nào đó nếu họ vi phạm chuẩn mực đạo đức hay cổ suý cho một hiện tượng sai trái trong xã hội.
Điều này không chỉ là ngẫu nhiên mà nó còn liên quan sâu sắc đến ý thức về đạo đức xã hội của thế hệ Z. Hãy xây dựng một thương hiệu mà lực lượng tiêu dùng chủ chốt trong tương lai của chúng ta có thể kính trọng và tin tưởng.
Kết
Gen Z đang định hình lại thị trường marketing bằng bản sắc cá tính riêng của mình.
Để có thể lan toả thông điệp của bạn đến thế hệ này, hãy thấu hiểu và đáp ứng nguyện vọng của họ.
Điều quan trọng nên nhớ là: một chiến lược marketing cho Gen Z thành công chính là chiến lược đặt Gen Z làm trung tâm.
Xem thêm:
☞ Vai trò của việc viết bài quảng cáo Facebook trong chiến dịch quảng cáo